28 tháng 8, 2007

Café 888! - "BỆNH" LẦN ĐẦU ĐI HỌC

Những bệnh thông thường trẻ thường mắc khi bắt đầu đi học nếu không được chăm sóc và điều trị tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.

Bé Nguyễn Hoàng Hoài Chương, 3 tuổi, nhà ở quận I, TP. HCM, đi học hè mới 1 tuần là ho, sốt, ói, khóc liên tục... Bé Huỳnh Lê Thuý An, 4 tuổi, quận III, nghỉ hè 1 tháng rồi đi học lại, vậy mà bé cứ đòi nghỉ học, ba mẹ không cho, nên khóc nhiều và viêm họng, buổi tối là sốt cao.

BS. CK2 Nguyễn Công Viên, Trưởng khoa trẻ em Lành mạnh, bệnh viện Nhi Đồng II cho biết, hầu hết, trẻ lần đầu đi học (3 đến 6 tuổi) thường có biểu hiện rối loạn tâm lý như khóc, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ sợ bạn bè chêu trọc nên cũng không chịu đi học.

Ngoài ra, biểu hiện sợ xa mẹ cũng biểu hiện qua những triệu chứng rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ. Những trẻ lo lắng sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu)

Cha mẹ cần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng bằng cách dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng trò chuyện giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ và giúp trẻ giao tiếp với bạn bè. Tạo sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ dễ dàng hoà hợp với môi trường học đường.

BS Viên lưu ý, trẻ bắt đầu đi học có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu khá thường gặp và xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và bệnh nhiễm siêu vi. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau. Nhưng trẻ vẫn chơi bình thường. Hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều có thể tự khỏi trong vòng 4 đến 5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.

Để trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi, cần giữ ấm, không cho dầm mưa, chơi ngoài nắng. Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ... Không cho trẻ chơi những nơi góc nhà, kẹt tủ, chỗ tối để tránh trẻ bị muỗi cắn. Khi trẻ bị sốt cao, sau 2 ngày dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn còn sốt phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết.

Theo Khoa Học & Đời Sống