26 tháng 11, 2007

IDO ! THUNG LŨNG TUYẾT ^^


Cùng tưng bừng với mùa X’Mas năm nay, trường mầm non IDO sẽ tổ chức một lễ hội thật vui, thật nhộn nhịp dành cho các bạn nhỏ. Đến với “Thung lũng tuyết IDO”, các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức, tham gia nhiều tiết mục cũng như các trò chơi hấp dẫn và vô cùng bổ ích. Đặc biệt, ông già Noel cũng sẽ đến để cùng chơi và tặng những phần quà hấp dẫn cho các bạn ngoan trong năm.
Cơ hội: Toàn bộ các hoạt động vui chơi đều được miễn phí, các bạn có thể mời thêm 1 – 3 người bạn (dưới 6 tuổi) của mình đến cùng vui (có phụ huynh đi kèm bé)

23 tháng 10, 2007

Vui Halloween cùng IDO ! ^^


Các bạn ơi!

Để kỷ niệm ngày lễ Halloween năm nay – 31/ 10/ 2007, trường mầm non IDO sẽ tổ chức một ngày hội thật vui vẻ và hấp dẫn dành cho các bạn nhỏ. Trường sẽ có những tiết mục hóa trang, ca hát, thi tài và một loạt các trò chơi vui nhộn khác về chủ đề Halloween đầy mới mẻ và thú vị này. Bên cạnh đó, mỗi bạn tham gia sẽ được tặng những phần quà thật ý nghĩa và hấp dẫn do chính các bạn tạo nên.

Hãy nhanh chóng đăng ký để được tham gia các bạn nhé.

11 tháng 10, 2007

Thông Báo - PHÓNG SỰ VỀ TRƯỜNG MẦM NON IDO

Trường Mầm Non IDO xin thông báo đến quý phụ huynh và các em học sinh:

Vào lúc 8h sáng Chủ nhật (14/10/2007) chương trình "Ngôn Ngữ Trẻ Thơ" trên kênh HTV7 đài truyền hình TP.HCM sẽ phát sóng phóng sự về Trường Mầm Non IDO.

Kính mời quý phụ huynh và các em chú ý theo dõi.

9 tháng 10, 2007

12 cách giúp trẻ vui sống




Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng những đứa trẻ có khả năng vui sống thường có một số tính cách đặc thù – bao gồm lòng tự trọng, tính lạc quan và khả năng tự chủ. Niềm vui sống nuôi dưỡng tâm hồn trẻ và giúp trẻ thấm nhuần ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống. Dưới đây là 12 cách hữu ích giúp trẻ thành công trong tương lai.

Chăm sóc bé - NHỮNG ĐIỀUCẦN QUAN TÂM ĐỐI VỚI THỨC ĂN DÀNH CHO TRẺ EM


Làm thế nào để chọn được những thức phẩm tốt nhất cho bé?

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại thức ăn dành cho trẻ được bày bán trên các kệ hàng ở chợ hay siêu thị - từ những loại rau củ thông thường cho đến những loại thực phẩm được chế biến đặc biệt – vì vậy, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn băn khoăn không biết nên chọn lựa như thế nào.

1 tháng 10, 2007

TƯNG BỪNG VUI ĐÓN TRUNG THU



Hòa chung không khí vui đón Tết trung thu của cả nước, vừa qua các bé đang sinh hoạt và học tập tại trường mầm non I.D.O cũng háo hức vui đón Tết trung thu trong không khí hết sức vui tươi và ý nghĩa.
Các bé được cùng làm bánh Trung thu với các cô giáo.
Nghe kể chuyện về Chị Hằng, Chú Cuội, sự tích ngày Tết Trung Thu, Phá cỗ Trung Thu...
Tham gia các chương trình văn nghệ, đặc biệt, tiết mục "cây nhà lá vườn" do chính các bé đang theo học tại trường thực hiện.


Các bạn có thể click vào đây để xem hình các bé đón Tết Trung Thu tại I.D.O.

26 tháng 9, 2007

Café 888! - ĐÁNH THỨC CẢM HỨNG SÁNG TẠO Ở TRẺ

Đừng la hét, quát mắng khi đứa con yêu quý vẽ bậy lên tường hay “phá vỡ” những trật tự ngăn nắp, gọn gàng trong căn nhà của bạn. Hành động đó của trẻ chưa hẳn đã là sự quậy phá mà chỉ đơn giản là tính hiếu động, tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.

Café 888! - 10 TRÒ CHƠI BỔ ÍCH BỐ MẸ CÓ THỂ CHƠI VỚI CON TRẺ



Lên 3 tuổi, trẻ bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh một cách khá rõ. Đây cũng là lúc bé hiếu động nhất vì muốn khám phá mọi thứ xung quanh và bản thân mình. Hãy tham khảo 10 trò chơi bổ ích mà bạn nên cùng chơi với con.


1.Trò chơi xây nhà

Với những viên gạch nhựa đầy màu sắc, bé sẽ xây thành nhà búp bê, đường ray xe lửa... Trò chơi này giúp con bạn rèn kỹ năng tạo dựng các hình khối.

2. Bán đồ hàng

Một trong những trò chơi "ruột"của các bé gái là bắt chước mẹ nấu nướng với lá cây, cát... Nhiệm vụ của bạn là dành thời gian để cùng chơi với bé.

3. Rèn luyện trí nhớ

Đặt 5 món đồ vào trong một chiếc khay, gồm: một chiếc thìa, tách, món đồ chơi nhỏ, bút chì và lược. Hãy để trẻ ghi nhớ 5 món đồ ấy trong 1 phút. Sau đó dùng khăn phủ lại và xem bé nhớ được bao nhiêu thứ.

4. Vỗ tay theo nhịp

Đầu tiên bạn vỗ tay theo một nhịp điệu đơn giản rồi bảo bé lặp lại. Qua trò chơi này, bạn có thể phát hiện bé có bị chứng chậm biết đọc không.

5. Nhận diện mặt chữ cái

Trước hết, bạn cần chuẩn bị một bộ chữ cái (bằng gỗ, nhựa). Sau đó, viết một chữ lên giấy và bảo bé tìm thử.
6. Trẻ rất thích hát

Bạn hãy hát cho bé nghe những bài dễ thuộc và cho chúng nghe nhạc trong máy hát. Âm nhạc giúp tâm hồn trẻ thêm sâu sắc.

7. Chơi với con rối

Khuyến khích con sáng tác lời thoại cho những người bạn rối, thú bông. Đây là cơ hội rất tốt để bé rèn kỹ năng nói.

8. Ném bóng

Bạn đứng đối mặt với con, cách khoảng 1m, ném nhẹ quả bóng nhỏ về phía trẻ để chúng bắt bằng hai tay. Không chỉ vui, trò chơi còn giúp bé vận động toàn thân.

9. Mèo, gà… kêu thế nào?

Với trò chơi giả tiếng các con vật này, bé sẽ học được nhiều điều lý thú từ thiên nhiên quanh mình.

10. Dẫn bé đến hồ bơi

Ngoài việc học bơi, bé còn được thỏa sức chơi đùa dưới làn nước mát. Bạn đừng quên theo sát bé mọi lúc mọi nơi nhé!

25 tháng 9, 2007

Thông báo - VUI TRUNG THU CÙNG CÙNG TRƯỜNG MẦM NON IDO



Trung thu đang đến gần, mỗi gia đình đều muốn dành cho bé yêu của mình những món quà, niềm vui độc đáo, an toàn và bổ ích. Hòa trong không khí vui tươi này , Mầm Non I.D.O cũng đang tích cực chuẩn bị cho các bé đón một Tết trung thu thật ý nghĩa.
Đặc biệt các bé sẽ đựơc các cô hướng dẫn tự làm lồng đèn,làm bánh Trung thu, cùng với cô bày mâm cỗ, cắm hoa...
Cùng nhau đón Tết Trung Thu với các sự tích về Chị Hằng, Chú Cuội... và trực tiếp tham gia các tiết mục văn nghệ như, đơn ca, tốp ca, múa rối...Và nhận những phần quà hết sức dễ thương từ Chị Hằng.

CHÚC CÁC BÉ MỘT MÙA TRUNG THU VUI VẺ!

31 tháng 8, 2007

Café 888! - LÀM THẾ NÀO BIẾT TRẺ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG?

Để đánh giá xem trẻ có phát triển bình thường hay không, trước hết cần đánh giá sự tăng trưởng về thể chất và phát triển về tinh thần của trẻ.


Đánh giá sự tăng trưởng thể chất

Phương pháp đơn giản để đánh giá sự tăng trưởng trẻ em tại nhà là sự theo dõi phát triển cân nặng của trẻ.

Cân nặng trung bình của trẻ mới sinh đủ tháng là 2,9-3kg. Nếu cân nặng lúc sinh của trẻ dưới 2,5kg là trẻ bị đẻ non hay bị suy dinh dưỡng bào thai.

Cân nặng trong năm đầu tiên tăng rất nhanh, lúc 5-6 tháng cân nặng tăng gấp đôi và một năm tăng gấp 3 lần lúc sinh. Trong 6 tháng đầu, mỗi tháng tăng trung bình 600g; 6 tháng cuối năm, mỗi tháng trẻ tăng trung bình 500g.

Cân nặng của trẻ từ năm thứ hai trở đi, trung bình mỗi năm tăng thêm 1,5kg.

Cân nặng phản ánh tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em. Do đó cách tốt nhất để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ là theo dõi cân nặng liên tục hằng tháng, hằng năm, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi. Nếu thấy cân nặng của trẻ ở tháng sau, hay ở lần cân sau không tăng hơn hoặc sút cân hơn so với cân nặng tháng trước là trẻ bị bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và để có lời khuyên xử trí kịp thời.

Mỗi trẻ cần có một tờ biểu đồ để theo dõi sự phát triển cân nặng, gọi là biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Tờ biểu đồ tăng trưởng này đã được in sẵn đường phát triển cân nặng tiêu chuẩn bình thường. Các bậc cha mẹ chỉ cần cân trẻ hàng tháng đánh dấu chấm cân nặng của trẻ vào điểm tương ứng hàng tháng, nối chấm cân nặng lần sau với chấm lần trước. Nếu chấm cân nặng lần sau cao hơn chấm cân nặng lần trước là trẻ phát triển bình thường, nếu chấm lần sau ngang và thấp hơn chấm cân nặng lần trước là trẻ bị bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng, cần đến cơ sở y tế tìm nguyên nhân để khắc phục ngay. Nối tất cả các chấm cân nặng lại, ta sẽ có đường biểu diễn sự tăng trưởng của trẻ, gọi là con đường sức khỏe của trẻ, đường cân nặng của trẻ đi lên, ngày một cao hơn, nằm trong đường phát triển tiêu chuẩn là trẻ lớn bình thường.

Đánh giá sự phát triển tinh thần, vận động

Sự phát triển tinh thần, vận động trẻ em diễn biến song song với sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương và cơ thể nói chung. Để đánh giá sự phát triển cần xem xét sự phát triển vận động, phối hợp động tác, khả năng nghe và nói, sự phát triển nhận thức môi trường xung quanh. Các bậc cha mẹ có thể dễ dàng đánh giá sự phát triển tinh thần, vận động của con mình dựa vào các điều sau đây:

Đánh giá sự phát triển về tinh thần

Trẻ mới sinh dưới 1 tháng: Ngay sau khi sinh trẻ đã có một số phản xạ quan trọng như bú, mút, nuốt, nắm bàn tay, co rúm người khi kích thích. Lúc 3 tuần tuổi có thể theo dõi vận động bằng mắt.

Trẻ 2 tháng: Từ 4-6 tuần tuổi, trẻ biết hóng chuyện, mỉm cười, mắt biết nhìn vật sáng di động.

Trẻ 3 tháng: Trẻ ham thích hoàn cảnh xung quanh, khi thức biết đưa mắt tìm nguồn tiếng động, vật di động,

Trẻ 4-5 tháng: Trẻ nhanh nhẹn, theo dõi xung quanh, thích cười đùa, thích chơi đồ chơi.

Trẻ 6-9 tháng: Trẻ biết lạ, bập bẹ hai âm thanh, biết bắt chước, trẻ rất nhanh nhẹn, quan tâm đến đồ chơi. Lúc 9 tháng có cảm xúc vui mừng, sợ hãi, hiểu được lời nói đơn giản.

Trẻ 10-12 tháng: Trẻ biết tập nói, hiểu được một số lời nói, biết vẫy tạm biệt người khác, nói được một số từ đơn giản.

Trẻ 1-2 tuổi: Trẻ thích mở rộng quan hệ với người khác, thích bắt chước người xung quanh, lời nói phát triển nhanh, hiểu được nhiều điều, có thể chỉ các phần cơ thể khi hỏi trẻ.

Trẻ 3 tuổi: Lời nói phát triển nhanh, khả năng tiếp thu tốt, trẻ có thể học thuộc được bài hát ngắn.

Trẻ 4-6 tuổi: Tiếng nói phát triển mạnh, trẻ học được bài hát dài, thích tìm hiểu xung quanh, có khả năng phân tích, tổng hợp, trẻ phát triển tâm sinh lý giới tính.

BS. Nguyễn Công Khôi – Theo Báo Sức khoẻ và Đời sống

Café 888! - KHI CHƠI, TRẺ HỌC ĐƯỢC GÌ?

Khi chơi, trẻ học được những gì?

Trẻ em tiếp thu rất tốt khi chơi. Tất cả các bậc cha mẹ đều mong đứa con 3-4 tuổi của mình được chuẩn bị để học chữ. Họ sốt ruột vì thấy trường mẫu giáo cho cháu chơi nhiều hơn học. Ðừng lo lắng! Chơi là chương trình học rất tốt! Tất cả các hoạt động vui chơi cháu bé tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm, thể lý và xã hội.

Học từ các khối nhựa, gỗ...:

Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều, khái niệm sau này sẽ là nền tảng cho những bài hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật. Trẻ mẫu giáo thích tưởng tượng những vật hình khối có kích cỡ to, vừa, nhỏ như đó là bố, mẹ và con. Qua đó, trẻ thể hiện sự hiểu biết về những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật. Các bé gái ít có cơ hội phát triển những kỹ năng quan trọng nếu bọn con trai giành hết các đồ chơi xây dựng. Vì thế, những cô mẫu giáo giỏi thường sử dụng nhiều đồ chơi khác nhau để khuyến thích các bé gái tham gia trò xây dựng. Các bé trai thường xếp những khối to nhỏ với nhau thành lâu đài, con tàu vũ trụ... và hình dung trong đầu một khung cảnh nào đó trên con tàu. Như thế chúng có cơ hội phát triển trí tưởng tượng mà các bé gái thường học qua những trò đóng kịch với búp bê, chơi bán hàng...

Học qua đường nét:

Hầu hết trẻ ba tuổi thích vẽ hay viết nguệch ngoạc. Dù với bạn, những đường nét đó là vô nghĩa nhưng chúng lại rất ý nghĩa đối với "tác giả" của chúng. Lúc 4 tuổi, nhiều em bắt đầu vẽ những hình và tranh biểu tượng cho người, cảnh hay những thứ chúng thấy hay tưởng tượng ra. Cũng như việc học từ vựng giúp trẻ suy nghĩ tốt hơn, chuyện vẽ nguệch ngoạc hay vẽ tranh có thể là bước nhảy ban đầu để quan sát thế giới xung quanh. Khi những hình vẽ của trẻ ngày càng phức tạp, chúng cũng chú ý nhiều đến chi tiết và thường hỏi những câu cụ thể hơn, như : "Sao cái đuôi con chó kia ngắn quá vậy?".

Học khi hát và múa:

Hát những bài hát ngắn giúp trẻ 3 tuổi thưởng thức âm thanh của từ và là bước chuẩn bị cho trẻ học đọc sau này. Khi 4 tuổi, chúng có thể hát những bài hát dài hơn, múa những bài múa đơn giản theo nhịp điệu của những nhạc cụ như trống, thanh gõ, và trống lắc. Hát và múa cũng giúp trẻ tự nhiên, linh động và sáng tạo, những điều rất cần ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Trí tưởng tượng trong chuyển động:

Khi chơi với những đồ chơi như xe hơi, xe tải, máy bay, tàu lửa..., và giả vờ hồi hộp vì tốc độ, trẻ mẫu giáo cảm thấy lớn mạnh và trưởng thành. Khi trẻ tưởng tượng và chơi trò đi xe trên một con đường dài, có thể trẻ đang nghĩ cách vượt qua nỗi lo lắng vì phải xa rời người thân. Một nữ tiến sĩ tâm lý học kể rằng có hai đứa bé trai 3 tuổi suýt bị tai nạn xe hơi. Vài tuần sau, hai chú bé đó diễn lại sự cố kinh hoàng đó trong góc sân chơi ở trường mẫu giáo. Bà nói: "Chơi giúp trẻ vượt qua những phản ứng xúc cảm của nó".

Chơi ráp hình:

Khi chơi ráp hình (với bộ Lego chẳng hạn), trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Chúng sẽ tiến từ những bài tập ráp hình tương đối đơn giản (khoảng 10 miếng lắp ráp) tới những bài tập khó hơn (hơn 20 miếng lắp ráp nhỏ hơn, phẳng, những miếng lắp ráp ăn khớp với nhau). Những bài tập lắp ráp không nên quá khó (sẽ gây bực dọc!) hay quá dễ (gây chán nản!) nhưng nên vừa đủ thách thức trẻ để dạy chúng tập trung và kiên trì giải toán. Nếu cho một nhóm cùng làm, chúng có thể làm được những bài tập ráp hình rất khó, đồng thời trẻ học được các cộng tác và trù tính những chiến lược để giải bài.

Chơi ngoài trời:

Ðộng tác chạy và trèo làm cho trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng. Vì ngoài sân trẻ ít bị giám sát hơn trong lớp nên sân chơi cũng là nơi hoạt động chung để học những bài học có tính xã hội. Ngoài sân, trẻ học cách chia sẻ và thay phiên nhau, bày trò để chơi chung. Khi xung đột nảy sinh, chúng giải quyết bằng cách của chúng, học cách thương lượng và đánh giá khả năng của một nhóm, một "phe".

Giả vờ đọc:


Một số ít trẻ mẫu giáo có thể đọc thật, nhưng thường thì chúng không biết đọc và chỉ thích lướt qua những quyển sách nào có nhiều hình minh hoạ. Trẻ 4 tuổi có thể nghe một câu chuyện nhiều lần rồi "đọc" chuyện đó theo trí nhớ cho bạn cùng lớp. Kiểu đọc giả vờ này, cũng như viết giả vờ, là khúc dạo cần thiết cho việc đọc và viết thực sự. Những lúc ấy, trẻ đang học ba bài học quan trọng: kể chuyện có mở đầu, nội dung và kết thúc; chia sẻ câu chuyện với những người khác; và kết bạn thật sự với sách.

Theo xì trum.

28 tháng 8, 2007

Café 888! - NGHỆ THUẬT THAY ĐỔI THÓI XẤU Ở TRẺ

Con bạn có xem truyền hình quá nhiều không? Bé chỉ ăn những gì mình thích?... Những thói quen xấu này của bé khiến bạn mệt mỏi. Nhưng bạn cần biết: cách thức và những gì bạn dạy cho con trẻ có thể hoàn toàn thay đổi hành vi của bé.

Dưới đây là một số kinh nghiệm “xử lý” vài thói quen xấu ở trẻ mà hai giáo viên ở Seoul (Hàn Quốc) đã đúc kết được dựa trên kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu những ví dụ cụ thể từ thực tế thay vì xem xét những lý thuyết khô cứng.

Lo lắng số 1: Con tôi xem tivi quá nhiều

Con bạn có xem tivi ngay khi về đến nhà? Bé có nhớ như in lịch chiếu phim hoạt hình trên tivi? Trong trường hợp này, trước hết, bạn hãy thương lượng với trẻ về thời gian xem tivi. Một tiếng mỗi ngày là đủ, và bạn có thể điều chỉnh lượng thời gian tùy theo hoàn cảnh. Bạn không cần phải ra quyết định một cách độc đoán. Nếu bạn muốn con mình thực hiện lời hứa, bạn cũng cần phải thẳng thắn.

Tiếp theo, hãy thảo luận về những chương trình mà con bạn sẽ xem và cùng con xem chương trình đã chọn để xác định mức độ và chất lượng. Nếu xét thấy chương trình đó không phù hợp, hãy thuyết phục con bạn một cách nhẹ nhàng và để bé chọn chương trình khác thay thế.

Sau khi đã thương lượng xong, bạn cần cung cấp một môi trường phù hợp để trẻ giữ lời hứa. Đó là một môi trường thích hợp để trẻ có những trải nghiệm bổ ích khác thay vì xem tivi. Đọc truyện cho trẻ nghe hoặc cùng trẻ chơi ngoài sân chơi. Hãy nhớ ngợi khen và khuyến khích trẻ.

Lo lắng số 2: Con tôi không chịu ăn

Trẻ em cần ăn giữa các bữa vì chúng chơi nhiều và tiêu hao nhiều năng lượng để lớn lên. Nếu bạn cho phép trẻ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn của chúng, bạn có thể khiến trẻ thích ăn hơn. Cũng đừng quên ngợi khen trẻ. Như vậy, bạn có thể vừa động viên lòng tự trọng của trẻ đồng thời khuyến khích trẻ giúp bạn. Hãy dọn 1-2 món ăn thêm mà trẻ không thích và dần dần tăng lượng đồ ăn cho đến khi trẻ quen ăn những món này.

Lo lắng số 3: Con tôi đi ngủ rất muộn

Đặt ra một giờ đi ngủ cố định. Tạo ra cho cả nhà thói quen tắt hết đèn và đi ngủ vào một giờ nhất định hàng ngày. Đọc sách cho trẻ nghe vào giờ đi ngủ cũng có ích ví dụ như giúp trẻ mở rộng trí tưởng tượng. Nhưng nhớ tránh đọc những truyện cười bởi vì điều này có thể khiến trẻ bị kích động hoặc nuốt lấy từng lời khi bạn đọc. Một cách khác là mua cho trẻ bộ pyjama mà chúng đặc biệt thích. Trẻ có thể muốn đi ngủ sớm để có thể mặc vào bộ pyjama yêu thích.

Lo lắng số 4: Con tôi mút ngón tay

Ngậm ngón tay là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của các vấn đề về tâm lý trong thời kỳ thơ ấu, cũng như việc bị ám ảnh bởi một số đồ vật nhất định hoặc xoắn vặn tóc. Những gì cần làm trước hết là tìm những nguyên nhân trong môi trường sống của trẻ. Kiểm tra xem liệu gia đình bạn có đủ thân mật để khiến trẻ cảm thấy an toàn, hãy lắng nghe trẻ một cách chân thành để chắc chắn rằng trẻ không gặp vấn đề gì ở trường mẫu giáo.

Bạn có thể giải thích cho trẻ rằng mút ngón tay không tốt cho sức khỏe của trẻ ra sao. Trong trường hợp những cách này không có hiệu quả, có thể bạn cần tìm kiếm những giải pháp khác. Bạn có thể dùng đồ chơi để giúp trẻ “xao lãng” việc mút ngón tay.

Nếu trẻ mút ngón tay lúc đi ngủ, bạn có thể nắm tay trẻ và hát ru. Một cái nháy mắt và nụ cười mỉm cũng có thể hiệu quả nếu bạn thấy trẻ mút ngón tay một cách vô thức.

Lo lắng số 5: Con tôi không ngoan lúc đi ngủ

Trẻ em không biết rằng có một giấc ngủ ngon quan trọng đến thế nào. Do vậy, điều thiết yếu là tạo ra một trạng thái để trẻ có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hãy để đèn tối hơn sau bữa ăn, và nếu trẻ muốn chơi, hãy chơi trò gì yên tĩnh như board game. Giúp trẻ đi vệ sinh và uống chút nước trước khi đi ngủ.

Nếu trẻ yêu cầu nhiều thứ sau khi đã lên giường, hãy hạn chế các yêu cầu của trẻ. Chỉ làm 1-2 việc trẻ yêu cầu một cách vui vẻ và nói rõ rằng thế là đủ. Nếu trẻ cứ “mè nheo” đòi thêm các thứ khác, phải nghiêm khắc với trẻ. Nhưng không có nghĩa là bạn trở nên giận giữ hoặc la hét. Bạn cần phải thật dịu dàng khi vẫn giữ uy quyền của mình. Nhẹ nhàng nắm tay trẻ có thể thuyết phục trẻ nghe lời bạn.

( Theo Tuổi Trẻ )


Café 888! - "BỆNH" LẦN ĐẦU ĐI HỌC

Những bệnh thông thường trẻ thường mắc khi bắt đầu đi học nếu không được chăm sóc và điều trị tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.

Bé Nguyễn Hoàng Hoài Chương, 3 tuổi, nhà ở quận I, TP. HCM, đi học hè mới 1 tuần là ho, sốt, ói, khóc liên tục... Bé Huỳnh Lê Thuý An, 4 tuổi, quận III, nghỉ hè 1 tháng rồi đi học lại, vậy mà bé cứ đòi nghỉ học, ba mẹ không cho, nên khóc nhiều và viêm họng, buổi tối là sốt cao.

BS. CK2 Nguyễn Công Viên, Trưởng khoa trẻ em Lành mạnh, bệnh viện Nhi Đồng II cho biết, hầu hết, trẻ lần đầu đi học (3 đến 6 tuổi) thường có biểu hiện rối loạn tâm lý như khóc, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ sợ bạn bè chêu trọc nên cũng không chịu đi học.

Ngoài ra, biểu hiện sợ xa mẹ cũng biểu hiện qua những triệu chứng rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ. Những trẻ lo lắng sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu)

Cha mẹ cần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng bằng cách dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng trò chuyện giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ và giúp trẻ giao tiếp với bạn bè. Tạo sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ dễ dàng hoà hợp với môi trường học đường.

BS Viên lưu ý, trẻ bắt đầu đi học có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu khá thường gặp và xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và bệnh nhiễm siêu vi. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau. Nhưng trẻ vẫn chơi bình thường. Hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều có thể tự khỏi trong vòng 4 đến 5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.

Để trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi, cần giữ ấm, không cho dầm mưa, chơi ngoài nắng. Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ... Không cho trẻ chơi những nơi góc nhà, kẹt tủ, chỗ tối để tránh trẻ bị muỗi cắn. Khi trẻ bị sốt cao, sau 2 ngày dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn còn sốt phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết.

Theo Khoa Học & Đời Sống

Café 888! - KIỂM TRA ĐỘ AN TOÀN CỦA ĐỒ CHƠI

Bạn đang tìm mua đồ chơi cho bé tuổi 2 - 4? Hãy ghi nhớ những nguyên tắc an toàn dưới đây trước khi quyết định chọn mua nhé!

Đồ chơi theo lứa tuổi


Các thông tin trên nhãn sản phẩm sẽ giúp bạn tìm được đồ chơi phù hợp nhất với lứa tuổi, sự khéo léo và sở thích của bé.

Một sản phẩm tốt phải có các thông tin về kỹ năng trẻ có thể học được khi chơi cũng như hướng dẫn cách kiểm tra xem đồ chơi có an toàn với lứa tuổi của bé hay không.

Dạy trẻ chơi

Khi con bạn có đồ chơi mới, bạn cần chú ý:

- Đọc hướng dẫn sử dụng: Hướng dẫn cách lắp đặt là bước đầu tiên bạn cần quan tâm, đặc biệt là với những đồ chơi có cấu tạo phức tạp. Việc lắp đặt đúng sẽ hạn chế được các trục trặc cũng như tai nạn đáng tiếc có thể dẫn tới thương tích cho bé.

- Do bé chưa biết đọc nên hướng dẫn cách chơi cũng sẽ rất quan trọng vì nó sẽ khơi gợi sự hứng thú, quan tâm của trẻ. Nếu cha mẹ “vụng” trong chuyện này, chắc chắn bé sẽ nhanh chóng chán ngấy với đồ chơi mới.

Kiểm tra kỹ

- Lưu ý với các hộp đóng gói: Những đồ chơi có thể tháo lắp, nhiều chi tiết thường được đóng hộp cẩn thận vậy nên hãy tháo bỏ tất cả các loại hộp, giấy bọc đồ chơi trước khi đưa cho trẻ. Trẻ có thể bị ngạt do các túi nhựa, ngộ độc do nuốt phải các mảnh xốp nhỏ, giấy gói; bị thương do các cạnh sắc của vỏ hộp.

- Kiểm tra tính chắc chắn của sản phẩm: Một trong những yêu cầu an toàn đối với đồ chơi là độ chắc chắn của sản phẩm. Một đồ chơi an toàn phải được làm từ các vật liệu bền, không thể bẻ hay xé, các mối ghép của nó phải ở dạng mỏ neo, khó tháo dời. Các bộ phận có thể tháo dời không được quá nhỏ khiến trẻ có thể nhét vào mũi, tai..

- Kiểm tra tính dẫn điện: Trẻ tuổi mẫu giáo rất hứng thú với những đồ chơi nho nhỏ nhưng đừng cho bé những đồ vật có thể nhét vào các ổ điện.

- Loại bỏ những đồ chơi hỏng: Đồ trang trí, bóng cao su xẹp là thủ phạm gây ra cái chết cho 7 - 10 trẻ nhỏ Mỹ mỗi năm. Những quả bóng xẹp hoặc vỡ luôn làm trẻ tò mò, thử chụp lên đầu và bị ngạt thở.

- Tránh những đồ chơi có dây rợ: vì nó có thể khiến trẻ bị ngạt khi vô tình cuốn quanh cổ.

- Tránh các đồ chơi dạng viên và có góc cạnh vì chúng có thể gây tai nạn, đặc biệt là những đồ chơi nhựa bị vỡ cần được vứt bỏ ngay.

- Chỗ cất đồ chơi nên ở khu vực dễ lấy, dễ mở, vừa tầm với trẻ. Không nên cất đồ chơi dưới gầm cầu thang hay ở những vị trí trên cao vì không phải bao giờ bạn cũng giúp trẻ lấy được thứ chúng muốn..

- Cẩn thân với đồ chơi có nắp: Cần kiểm tra độ an toàn của nắp vì nó có thể sập xuống, làm trẻ bị ngạt khi chui vào trong hoặc bị kẹp ngón tay.

Theo nguồn: MSN

Café 888! - NHỮNG NGUYÊN TẮC TRONG DẠY CON


Những nguyên tắc trong dạy con

Ở nước ngoài một thời gian, qua quan sát chung quanh, tôi nhận ra có những nguyên tắc dạy con khi bé còn nhỏ mà phần lớn các bậc cha mẹ và nhà trường đều áp dụng.

1. Trẻ phải tự làm những việc cơ bản từ rất sớm

Đầu tiên, đó là chuyện ăn. Lúc trẻ quá nhỏ thì phải có cha mẹ chăm sóc chuyện ăn uống, nhưng khi trẻ đã có thể ngồi và cầm nắm đồ vật thì hầu như đều đã tự ăn một mình. Một ghế ăn riêng cho bé xếp cùng với bàn ăn của gia đình, khi cả nhà ăn, bé cũng tự mình ăn thức ăn của mình. Nếu không thích ăn nữa thì ngừng và không một người lớn nào cố ép bé ăn hết phần thức ăn đó.

Điều này, tôi càng thấy rõ trong các trường mẫu giáo. Vào giờ ăn, nếu bé nào không muốn ăn thì toàn bộ phần thức ăn đó sẽ mang đi chỗ khác mà không một lời nài nỉ nào từ phía người lớn. Trong việc này, họ lý luận như sau: Chỉ một vài lần, đứa trẻ sẽ ý thức được rằng vào giờ ăn thì phải ăn, nếu không, sẽ đói và phải chờ đến buổi ăn sau mới được ăn. Không một lời la hét, không một tiếng dọa nạt, không phải dùng đòn roi, cha mẹ ông bà không phải làm bất cứ trò nào như chúng ta vẫn làm trong những buổi ăn của con trẻ. Chính kinh nghiệm thực tiễn sẽ là “bài học” để trẻ phải tự mình quyết định chuyện ăn uống.

Đến tuổi vào trường mẫu giáo, trẻ con phải biết tự mang giày, mặc quần áo, áo khoác, treo quần áo đúng nơi quy định, tự đi vệ sinh... Trong trường mẫu giáo, mọi dụng cụ trong nhà vệ sinh đều nhỏ, thấp phù hợp với kích thước của trẻ từ 3-5 tuổi vì thế trẻ có thể tự đi vệ sinh, gạt nước, rửa tay, hơ tay, dùng khăn giấy lau tay rồi để vào thùng rác. Ở tuổi mẫu giáo, đứa trẻ được dạy những điều hết sức cơ bản để “sống còn” như tự làm một cái sandwich, đập và đánh trứng, bóc vỏ những loại trái cây đơn giản, rót nước/sữa vào ly.

Có những điều tuy đơn giản nhưng cách giáo dục của họ đã tạo cho trẻ con một thói quen tốt. Chẳng hạn sau khi trời mưa, trẻ ra sân chơi, các cô yêu cầu trẻ phải tự lấy khăn lau chùi xe đạp, đồ chơi... rồi mới chơi. Con gái tôi đã học được bài học này thật nhanh chóng nên từ ngày đó, nó luôn giành việc lau chùi xe đạp của mình khi ra sân chơi và luôn khẳng định: con làm được, đó là việc của con!

2. Nếu vấp ngã, hãy tự đứng lên!

Có lẽ đây là bài học “vỡ lòng” đối với trẻ con phương Tây. Vào bất cứ công viên hoặc sân chơi nào, bố mẹ bao giờ cũng đứng từ xa quan sát con chơi chứ không bao giờ đi kèm bên cạnh con, sợ con té. Nếu đứa bé có té ngã, không vội vàng gì, từ xa, ba mẹ ra hiệu cho con hãy tự đứng dậy và đi tiếp.

Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng làm được điều này dù là Tây hay ta. Một điều cần chú ý là trong các công viên, khu vui chơi cho trẻ em thường nằm ở một khu vực riêng, nền trải một lớp nhựa đặc biệt để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra nên các bậc cha mẹ phần nào cũng yên tâm khi để con một mình leo trèo, chạy nhảy.

3. Không dùng đòn roi, không la mắng

Từ gia đình cho đến trường học, trong cách giáo dục trẻ con ở phương Tây hoàn toàn vắng bóng đòn roi hay những lời la mắng. Ấy vậy mà trẻ con Tây lại rất kỷ luật và không mè nheo như phần lớn trẻ con châu Á. Ít khi nào tôi thấy trẻ con Tây gào thét, khóc lóc, vòi vĩnh với ba mẹ ở chốn công cộng. Một đôi lần, tôi cũng gặp những đứa bé quấy nhưng cách hành xử của ba mẹ chúng cũng rất... Tây.

Trong viện bảo tàng, tôi thấy một bé trai khoảng 2 tuổi la khóc, mẹ đứa bé không dỗ dành cũng không la hét mà đi chỗ khác. Chỉ một lúc sau, cô quay lại và hỏi đứa bé “Con đã khóc xong chưa?”. Trong khuôn viên trường học, có lần tôi thấy một ông bố đi trước, đứa con 2-3 tuổi mặt mày bí xị lẽo đẽo theo sau, có lẽ vì quấy bố mà bị bố “bỏ rơi”?

4. Trẻ con không phải là “người nhỏ”!

Chính lối suy nghĩ này của các bậc cha mẹ phương Tây ít nhiều khiến trẻ con Tây sớm trưởng thành, có tính tự chủ và độc lập cao. Thời gian đầu, tôi khá ngạc nhiên khi thấy cách nói chuyện, phong thái của phần lớn trẻ con Tây rất giống “ông già”. Dần dần, tôi nhận ra rằng đó là do cách ứng xử của người lớn đối với trẻ con.

Trong gia đình, người lớn nói chuyện với trẻ con bằng ngôn ngữ của những người trưởng thành, nghĩa là lắng nghe, giải thích, trao đổi... không phải bằng ngôn ngữ ngây ngô cốt để trẻ con dễ hiểu. Cách hành xử này khiến trẻ con có thói quen sử dụng ngôn ngữ rất chính xác, lập luận chặt chẽ, phong thái tự tin. Vào cuối tuần, tôi thường thấy rất đông phụ huynh dẫn con đến tham quan bảo tàng. Ở mỗi điểm dừng, cha mẹ rất chịu khó giải thích cặn kẽ từng vấn đề cho con trẻ. Có người kỹ hơn còn chuẩn bị cả một cuốn sổ để con mình ghi chú những điều cần biết, cần nhớ.

Thanh Nien

Thơ - CHÚ BÒ TÌM BẠN

Mặt trời rúc bụi tre

Buổi chiều về nghe mát

Bò ra sông uống nước

Thấy bóng mình, ngỡ ai

Bò chào: “ Kìa anh bạn”

Lại gặp anh ở đây!"


Nước đang nằm nhìn mây

Nghe bò, cười toét miệng

Bóng bò chợt tan biến

Bò tưởng bạn đi đâu

Cứ ngoái trước nhìn sau

“Ậm ò” tìm gọi mãi…

(Phạm Hổ)

Thơ - BẠN MỚI



Bạn mới đến trường
Hãy còn nhút nhát,
Em dạy bạn hát,
Rủ bạn cùng chơi.

Cô thấy cô cười
Cô khen đoàn kết.
(Nguyện Mai)

27 tháng 8, 2007

Thơ - CÔ VÀ CHÁU

Bé biết nhận màu xanh

Cô chỉ qua màu đỏ

Nhìn theo ngón tay trỏ

Bé biết thêm màu vàng

Ngón tay cô nhẹ nhàng

Chuyển sang màu tím huế


Cứ như thế, như thế

Bé biết đủ bảy màu

Cô và bé nhìn nhau

Nụ cười trong ánh mắt

( Vũ Minh Tâm)

Ca fé 888! - 6 CÁCH PHÁT TRIỂN EQ CỦA TRẺ


Cảm xúc của trẻ thường thay đổi rất nhanh, có khi chạy khắp nhà một cách vui sướng, nhưng ngay sau đó có thể phẫn nộ, la hét rất đau khổ. Đây là cơ hội để cha mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng của trí thông minh cảm xúc (EQ).

Và môi trường gia đình là nơi đầu tiên và tốt nhất để dạy cho trẻ những bài học này.

Nhà Tâm lý học John Gottman viết trong cuốn sách “Nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc cho trẻ”, khi cha mẹ giúp trẻ phát triển và kiểm soát được những cảm xúc như tức giận, thất vọng, lo âu..., đó là lúc cha mẹ phát triển trí thông minh cảm xúc cho trẻ. Dạy cho trẻ kỹ năng EQ sẽ giúp trẻ tự tin, có trách nhiệm, có kỹ năng tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Gottman đưa ra 6 cách để cha mẹ “Huấn luyện cảm xúc” cho trẻ.

1. Lắng nghe thấu cảm:
Hãy tập trung vào điều trẻ nói để hiểu điều trẻ đang cảm nhận, sau đó hãy chia sẻ với trẻ. Ví dụ, khi nghi ngờ trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, hãy hỏi trẻ “Điều gì sẽ xảy ra đây con?”. Nếu đúng trẻ đang có cảm giác bị bỏ rơi, hãy nói “Con đúng, mẹ đã thực sự bận với em con nên không có thời gian để quan tâm tới con”. Hãy để trẻ hiểu rằng cha mẹ hiểu được điều trẻ đang cảm nhận.

2. Giúp trẻ đặt tên cảm xúc: Với sự hạn chế về từ vựng và sự hiểu biết sợ đẳng về nguyên nhân và hậu quả, trẻ thường gặp khó khăn khi diễn đạt điều đang cảm nhận. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ xây dưng vốn từ vựng cảm xúc bằng cách ghép những biểu hiện cảm xúc của trẻ bằng ngôn ngữ. Ví dụ, trẻ thất vọng khi không tìm thấy đồ chơi, hãy nói “Con cảm thấy buồn vì điều đó đúng không?”.

3. Thừa nhận cảm xúc của trẻ: Trẻ biểu lộ sự bực tức và giận dỗi vì trẻ không làm được theo đúng ý, đây là phản ứng tự nhiên của trẻ. Thay việc nói “chẳng có lý do nào để chán nản” bằng “Rất đáng buồn khi con không thể xếp được các hình đó lại với nhau đúng không?

4. Chuyển tức giận thành công cụ để dạy:
Nếu trẻ cảm thấy lo lắng khi biết phải đến gặp bác sĩ, hãy giúp trẻ bằng cách chuẩn bị mọi thứ và trao đổi tại sao trẻ sợ, tại sao cần tới đó, và trẻ mong đợi gì khi gặp bác sĩ. Hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện của mình khi đến gặp bác sĩ và điều gì đã làm cho mình cảm thấy tốt hơn.

5. Sử dụng xung đột để dạy kỹ năng giải quyết vấn đề: Luôn luôn đặt cho trẻ những giới hạn và hướng trẻ tới một giải pháp. Ví dụ, “Mẹ biết con rất tức giận khi chị Lan làm hỏng đồ chơi, nhưng con không thể đánh chị ấy. Con có thể làm được gì khác khi con tức giận không?”. Nếu trẻ không có ý tưởng nào hãy giúp trẻ đưa ra một số lựa chọn. Lúc đó trẻ sẽ nhận thức được rằng đó là sự tán thành tức giận, nhưng không nên làm tổn thương người khác vì sự tức giận của mình.

6. Đưa ra ví dụ để trấn tĩnh:
Cha mẹ cũng muốn kiểm tra cách mình phản ứng như thế nào với sự thể hiện cảm xúc của trẻ. Một điều quan trọng là không nên sử dụng những ngôn từ lỗ mãng khi tức giận. Hãy nói “khi con làm điều đó mẹ cảm thấy rất buồn” hơn là “mày làm cho mẹ phát điên lên” vì trẻ sẽ hiểu được vấn đề tại hành vi chứ không phải do trẻ. Hãy cẩn thận khi nhận xét, phê phán vì có thể anh hưởng lớn đến tính tự tin của trẻ.

24 tháng 8, 2007

Mầm non Tri Thức Trẻ IDO – mầm non của trí tuệ


Chỉ gói gọn trong 2 từ nhưng đã nói lên tất cả mục đích, định hướng mà trường chúng tôi hướng đến, I do – “ Tôi tự làm”; “ Tôi muốn làm”; “Tôi có thể làm”. Tạo điều kiện cho bé tự làm để phát triển nhận thức và kỹ năng, đó chính là phương châm giảng dạy của IDO Việt Nam.

Ở IDO các bé sẽ được tạo điều kiện tự làm và sáng tạo mọi thứ thông qua từng việc làm, trò chơi cụ thể với tiêu chí: “ Chơi sáng tạo là học đỉnh cao”.Tất cả các lớp học tại IDO được giảng dạy bằng chương trình song ngữ Anh – Việt với 20 tiết tiếng Anh một tuần do giáo viên mầm non người Mỹ giảng dạy. Không gian yên tĩnh, môi trường hiện đại và an toàn với các phòng chức năng đầy đủ tiện nghi hiện đại nhất sẽ là 1 ngôi trường lý tưởng cho sự học hành và vui chơi, phát triển trí tuệ của các bé. Đặc biệt, IDO còn tổ chức những cuộc dã ngoại thật bổ ích tạo điều kiện cho bé tiếp xúc và nâng cao kiến thức của thiên nhiên và môi trường xung quanh mình.

Hiện nay IDO đang áp dụng mức học phí khuyến học cho 30 bé đầu tiên, rất mong được đón tiếp quý vị phụ huynh và các bé.
Hãy để IDO giúp bé sáng tạo và tự tin và được phát triển toàn diện!