28 tháng 8, 2007

Café 888! - NHỮNG NGUYÊN TẮC TRONG DẠY CON


Những nguyên tắc trong dạy con

Ở nước ngoài một thời gian, qua quan sát chung quanh, tôi nhận ra có những nguyên tắc dạy con khi bé còn nhỏ mà phần lớn các bậc cha mẹ và nhà trường đều áp dụng.

1. Trẻ phải tự làm những việc cơ bản từ rất sớm

Đầu tiên, đó là chuyện ăn. Lúc trẻ quá nhỏ thì phải có cha mẹ chăm sóc chuyện ăn uống, nhưng khi trẻ đã có thể ngồi và cầm nắm đồ vật thì hầu như đều đã tự ăn một mình. Một ghế ăn riêng cho bé xếp cùng với bàn ăn của gia đình, khi cả nhà ăn, bé cũng tự mình ăn thức ăn của mình. Nếu không thích ăn nữa thì ngừng và không một người lớn nào cố ép bé ăn hết phần thức ăn đó.

Điều này, tôi càng thấy rõ trong các trường mẫu giáo. Vào giờ ăn, nếu bé nào không muốn ăn thì toàn bộ phần thức ăn đó sẽ mang đi chỗ khác mà không một lời nài nỉ nào từ phía người lớn. Trong việc này, họ lý luận như sau: Chỉ một vài lần, đứa trẻ sẽ ý thức được rằng vào giờ ăn thì phải ăn, nếu không, sẽ đói và phải chờ đến buổi ăn sau mới được ăn. Không một lời la hét, không một tiếng dọa nạt, không phải dùng đòn roi, cha mẹ ông bà không phải làm bất cứ trò nào như chúng ta vẫn làm trong những buổi ăn của con trẻ. Chính kinh nghiệm thực tiễn sẽ là “bài học” để trẻ phải tự mình quyết định chuyện ăn uống.

Đến tuổi vào trường mẫu giáo, trẻ con phải biết tự mang giày, mặc quần áo, áo khoác, treo quần áo đúng nơi quy định, tự đi vệ sinh... Trong trường mẫu giáo, mọi dụng cụ trong nhà vệ sinh đều nhỏ, thấp phù hợp với kích thước của trẻ từ 3-5 tuổi vì thế trẻ có thể tự đi vệ sinh, gạt nước, rửa tay, hơ tay, dùng khăn giấy lau tay rồi để vào thùng rác. Ở tuổi mẫu giáo, đứa trẻ được dạy những điều hết sức cơ bản để “sống còn” như tự làm một cái sandwich, đập và đánh trứng, bóc vỏ những loại trái cây đơn giản, rót nước/sữa vào ly.

Có những điều tuy đơn giản nhưng cách giáo dục của họ đã tạo cho trẻ con một thói quen tốt. Chẳng hạn sau khi trời mưa, trẻ ra sân chơi, các cô yêu cầu trẻ phải tự lấy khăn lau chùi xe đạp, đồ chơi... rồi mới chơi. Con gái tôi đã học được bài học này thật nhanh chóng nên từ ngày đó, nó luôn giành việc lau chùi xe đạp của mình khi ra sân chơi và luôn khẳng định: con làm được, đó là việc của con!

2. Nếu vấp ngã, hãy tự đứng lên!

Có lẽ đây là bài học “vỡ lòng” đối với trẻ con phương Tây. Vào bất cứ công viên hoặc sân chơi nào, bố mẹ bao giờ cũng đứng từ xa quan sát con chơi chứ không bao giờ đi kèm bên cạnh con, sợ con té. Nếu đứa bé có té ngã, không vội vàng gì, từ xa, ba mẹ ra hiệu cho con hãy tự đứng dậy và đi tiếp.

Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng làm được điều này dù là Tây hay ta. Một điều cần chú ý là trong các công viên, khu vui chơi cho trẻ em thường nằm ở một khu vực riêng, nền trải một lớp nhựa đặc biệt để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra nên các bậc cha mẹ phần nào cũng yên tâm khi để con một mình leo trèo, chạy nhảy.

3. Không dùng đòn roi, không la mắng

Từ gia đình cho đến trường học, trong cách giáo dục trẻ con ở phương Tây hoàn toàn vắng bóng đòn roi hay những lời la mắng. Ấy vậy mà trẻ con Tây lại rất kỷ luật và không mè nheo như phần lớn trẻ con châu Á. Ít khi nào tôi thấy trẻ con Tây gào thét, khóc lóc, vòi vĩnh với ba mẹ ở chốn công cộng. Một đôi lần, tôi cũng gặp những đứa bé quấy nhưng cách hành xử của ba mẹ chúng cũng rất... Tây.

Trong viện bảo tàng, tôi thấy một bé trai khoảng 2 tuổi la khóc, mẹ đứa bé không dỗ dành cũng không la hét mà đi chỗ khác. Chỉ một lúc sau, cô quay lại và hỏi đứa bé “Con đã khóc xong chưa?”. Trong khuôn viên trường học, có lần tôi thấy một ông bố đi trước, đứa con 2-3 tuổi mặt mày bí xị lẽo đẽo theo sau, có lẽ vì quấy bố mà bị bố “bỏ rơi”?

4. Trẻ con không phải là “người nhỏ”!

Chính lối suy nghĩ này của các bậc cha mẹ phương Tây ít nhiều khiến trẻ con Tây sớm trưởng thành, có tính tự chủ và độc lập cao. Thời gian đầu, tôi khá ngạc nhiên khi thấy cách nói chuyện, phong thái của phần lớn trẻ con Tây rất giống “ông già”. Dần dần, tôi nhận ra rằng đó là do cách ứng xử của người lớn đối với trẻ con.

Trong gia đình, người lớn nói chuyện với trẻ con bằng ngôn ngữ của những người trưởng thành, nghĩa là lắng nghe, giải thích, trao đổi... không phải bằng ngôn ngữ ngây ngô cốt để trẻ con dễ hiểu. Cách hành xử này khiến trẻ con có thói quen sử dụng ngôn ngữ rất chính xác, lập luận chặt chẽ, phong thái tự tin. Vào cuối tuần, tôi thường thấy rất đông phụ huynh dẫn con đến tham quan bảo tàng. Ở mỗi điểm dừng, cha mẹ rất chịu khó giải thích cặn kẽ từng vấn đề cho con trẻ. Có người kỹ hơn còn chuẩn bị cả một cuốn sổ để con mình ghi chú những điều cần biết, cần nhớ.

Thanh Nien